Tên khác: Lê lư
Tên khoa học: Cynanchum stauntonii (Decne.) Schltr. ex H.Lév. Asclepiadaceae (họ Thiên lý).
Mô tả cây: Cây thân thảo, cao đến 1 m. Thân đứng, không lông, có nhựa mủ trắng. Lá mọc đối, có phiến hẹp, nhọn ở 2 đầu, dài 6-13 × 0,3-0,9 cm; cuống lá khoảng 2-5 mm; có khoảng 6 cặp gân phụ. Cụm hoa nhỏ, dạng xim; cuống hoa dài 1-9 mm; lá đài hình bầu dục thuôn 1-1,5 × 0,4-0,5 mm; cánh hoa thường có màu vàng lục nhạt, ít khi màu tím, dài 5 mm, tiền khai vặn, ống tràng dài 1,5 mm. Đầu nhuỵ lồi, không thò ra ngoài. Quả đại, thuôn dài 9-12 cm, nhọn ở đầu, trơn láng. Hạt thuôn dài, có lông ở đầu hạt dài 2,5 cm.
Phân bố, sinh thái: Cây mọc ở bờ đê, đập và cả trong rừng núi cao. Thường gặp ở Hà Tiên và Sa Pa. Còn có ở Trung Quốc. Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 12.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Thân rễ (Rhizoma Cynanchi stauntonii), thường gọi là Bạch Tiền. Thu hái thân rễ vào mùa thu, rửa sạch phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học: Saponin steroid (stauntosid C-K, cynatratosid B, glaucogenin A, E, neocynapanogenin F 3-O-thevetosid, anhydrohirundigenin monothevetosid, glaucogenin-C-thevetosid), tinh dầu [(E,E) -2,4-decadienal]. Ngoài ra còn có sitosterol, triterpen (hancockinol) và acid béo (C24–C30).
Tác dụng dược lý: Rễ có tác dụng giảm ho, long đờm, làm giãn cơ trơn khí quản, kháng viêm. Tinh dầu trong rễ có tác dụng kháng virus cúm. Ngoài ra rễ còn có tác dụng kháng tế bào ung thư.
Công dụng và cách dùng: Rễ được dùng chữa ho, long đờm, lao phổi, cúm, ho, viêm phế quản, trẻ cam tích.