Tên khác: Bươm bướm
Tên khoa học: Mussaenda pubescens W. T. Ation. Rubiaceae (họ Cà Phê)
Mô tả cây: Cây nhỡ, cao 1-2 m, phân nhiều cành. Cành non có lông mịn. Lá nguyên, mọc đối, hình bầu dục hay hình trứng, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt và đôi khi còn có lông. Lá kèm hình sợi. Cụm hoa xim ngù mọc ở đầu cành. Hoa màu vàng, có đài phát triển hình trứng hoặc gần tròn, màu trắng rất đặc biệt; tràng hoa 5 cánh, ống tràng dài và hẹp; nhị 5, dính vào chỗ loe của ống tràng; bầu 2 ô, nhiều noãn. Quả hình cầu, rất nhiều hạt nhỏ màu đen.
Phân bố, sinh thái: Cây có vùng phân bố khá rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng Bắc bộ (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Lâm Đồng). Bướm bạc là cây ưa ẩm và sáng, thường mọc ven rừng và các trảng. Ra hoa kết quả vào mùa tháng 5-8.
Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Toàn cây (Herba Mussaendae pubenscentis). Rễ, thân và lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học: Saponin triterpenoid (mussaendosid D-V), sterol (stigmasterol, doursterol phytosterol). Ngoài ra còn có iridoid glycosid, acid phenolic (acid caffeic, acid ferulic), tinh dầu (gồm các thành phần chính: acid hexenoic 2-butyl ester, 2-hexenoic 2-hexenyl ester, và ionon).
Tác dụng dược lý: Bướm bạc có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, kháng viêm, lợi tiểu. Ngoài ra còn có tác dụng kháng virus hợp bào hô hấp (RSV).
Công dụng và cách dùng: Dân gian thường dùng làm thuốc trị cảm mạo, sổ mũi, say nắng, viêm họng, viêm amidan, viêm thận, phù thủng, viêm ruột, tiêu chảy, phong thấp, đau nhức, mụn nhọt. Ở một số tỉnh của Trung quốc còn dùng Bướm bạc để giải độc nấm và phá thai ở giai đoạn đầu của thai kỳ.