chưa phân loại

Truyền thuyết và tên các loài cây – 1. Cây Hếp

Cây Hếp, cây Bão táp, cây Hoa nửa vầng trăng (Scaevola taccada (Gaertn.) Roxb )

Ở vùng đất cát ven biển Việt Nam có một loài cây được gọi là cây Bão táp do có sức sống dẻo dai, chịu được gió, mặn, sóng biển và sự khắc nghiệp giữa trời nước mênh mông. Loài cây này còn có tên là cây Hếp hay cây Hoa nửa vầng trăng với đặc điểm hoa như hình nan quạt màu trắng. Loài cây này còn phân bố ở vùng biển Thái Bình Dương và ở Hawaii cây có tên gọi địa phương là  naupaka kahakai. Tên gọi này gắn liền với 1 truyền thuyết về câu chuyện tình yêu.

Ngày xửa ngày xưa có 1 nàng công chúa xinh đẹp tên là Naupaka. Một ngày nọ, người dân trong làng thấy công chúa có nhiều tâm sự lúc nào cũng tỏ vẻ ưu buồn. Thì ra công chúa đã yêu một người đàn ông tên là Kaui ở ngôi làng khác. Thời đó, luật lệ hà khắc nghiêm cấm những người có dòng máu hoàng gia không thể kết hôn với người xuất thân bình thường nên những bô lão yêu cầu đôi tình nhân phải hành hương đến một nơi linh thiêng xa xôi để cầu nguyện và xin thầy tế cho lời khuyên. Công chúa Napaka và Kaui đã cùng nhau trải qua cuộc du hành băng qua nhiều ngọn núi và khu rừng và khi đến khu đền linh thiêng họ đã kiệt sức. Đôi tình nhân cũng gặp thầy tế và kể câu chuyện tình yêu của họ với hy vọng được tác hợp hôn nhân, thế nhưng thầy tế nói là ông ta không giúp gì được và điều này phải do các đấng thần linh quyết định. Ngay lúc đó bầu trời tối sầm lại và một cơn bão ập đến. Đây là dấu hiệu từ các vị thần không đồng ý việc kết hôn của họ. Naupaka lấy bông hoa trắng cài trên đầu xé làm đôi. Cô đặt vào tay Kaui 1 nửa và bảo anh quay về bờ biển còn cô sẽ sống cô đơn trên đỉnh núi. Một nửa bông hoa của Naupaka cho biết trái tim cô đã tan vỡ. Và hoa của cây Hếp chính là biểu tượng cho chuyện tình buồn của công chúa Naupaka.

Theo các nghiên cứu khoa học, cây Hếp (Scaevoda taccada) có thành phần hóa học là các iridoid glycoside, saponin, coumarin, alkaloid, acid chlorogenic…. Cây có nhiều tác dụng dược lý đáng chú ý như kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm…. Trong dân gian, cây được sử dụng với nhiều công dụng như chữa khó tiêu, tiêu chảy, lá tươi chữa đau dầu và các bệnh ngoài da. Ở Philippin và Indonesia dùng nước sắc lá và rễ Hếp để chữa bệnh phù thũng. Nước ép thân non và quả chín dùng để bôi trực tiếp lên các vết thương ngoài da do côn trùng. Đặc biệt, rễ Hếp còn được dùng như một thứ thuốc giải độc khi ăn phải cá độc.
Ở Việt Nam, cây Hếp chưa được sử dụng nhiều nhưng cho thấy đây là một cây thuốc nhiều tiềm năng.