chưa phân loại

Cam sũng –Sauropus spatulifolius , Phyllanthaceae

Tên khác: Đơn lưỡi hổ, Ngót lưỡi hổ, Lưỡi nhân

Tên khoa học: Sauropus spatulifolius Beille, Phyllanthaceae (họ Diệp hạ châu)

Mô tả cây: Cây gỗ nhỏ hoặc cây bụi, hơi mọng nước, cao đến 40 cm; cành không có nhánh, xám xanh với mấu lồi nhỏ. Không có lông che chở. Lá kèm hình tam giác, thường có hình tai nhỏ, không rụng. Lá: cuống lá dài 2- 4,5 mm, dẹt ở trên, có lông tơ, với mấu lồi nhỏ; phiến hình trứng; gốc lá tròn, mép lá nguyên với một số điểm lồi, mũi lá nhọn, gân giữa lồi, mặt trên lá màu xanh lục đậm với các vùng màu xám trắng dọc theo gân chính và gân phụ, mặt dưới lá xanh sáng. Cụm hoa dạng chùm, ngắn; hoa mọc thành cụm hoặc đơn lẻ, đỏ đậm hoặc tím đậm. Hoa đực đường kính 3,3-4,5 mm, cuống hoa dài 4-5,5 mm; đài hoa hình tam giác, đỉnh đài tròn. Nhị: chỉ nhị dài 0,3 mm, bao phấn 0,3 mm. Hoa cái đường kính 4-6 mm; lá đài rời, hình trứng, bầu nhụy hình chuông 0,7-0,8 mm, đầu nhụy nằm ngang, dài khoảng 0,7 mm. Qủa hình cầu, nhăn nheo khi khô. Không thấy có hạt.

Phân bố, sinh thái: Ở Việt Nam cây mọc rải rác ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang… Là một cây ưa ẩm và ưa bóng, Cam sũng thường thấy dưới tán rừng núi đá vôi hoặc gần các bờ suối của rừng cây lá rộng thứ sinh

Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Lá – Sauropi Folium

Thành phần hóa học: Alkaloid nhân pyrol, dẫn chất của 3,6-anhydrohexofuranose, các dẫn chất phenol đơn giản

Tác dụng dược lý: Cao chiết từ lá Cam sũng có tác dụng chống oxi hóa, kháng viêm, kháng khuẩn.

Công dụng và cách dùng: Cam sũng dùng trị ho khan, viêm phần trên đường hô hấp cấp tính, viêm khí quản, hen phế quản, ho ra máu.
Lá còn được dùng trị cam sũng (trẻ em bị phù nề, thũng trướng), dị ứng mề đay. Dùng lá 10-15 g, hoa 10-15 g dạng thuốc sắc