Việc đặt tên dược liệu có thể xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau: hình thái đặc điểm của loài thực vật hoặc dược liệu sau khi sơ chế, chế biến; tác dụng trị liệu; đôi khi lại gắn liền với một câu chuyện hay địa danh nào đó. Bên cạnh đó, còn có một số vị thuốc từ động vật, khoáng vật. Hãy cũng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của chúng.
Đặt tên theo hình thái
- Băng phiến: sản phẩm kết tinh (borneol) từ nhựa cây Đại bi hoặc Long não.
- Bụp giấm: loài cây có hình thái tương tự Bụp (cùng chi), lá có vị chua.
- Câu đằng: câu nghĩa là lưỡi câu, đằng chỉ dây leo. Loài thực vật này mọc dạng thân leo và có gai trông giống những lưỡi câu.
- Cẩu tích: tích là lưng, vị thuốc có những lông vàng mịn nhìn như lưng loài chó.
- Diệp hạ châu: quả nang hình cầu nằm sát dưới lá.
- Giảo cổ lam: giảo nghĩa là xoắn, cổ tức là sợi, chỉ đặc điểm sinh trưởng dây leo tua cuốn.
- Hoàng liên, hoàng đằng, hoàng bá: ba vị thuốc cùng có màu vàng nên gọi là Tam hoàng. Trong đó, liên nghĩa là liên tiếp, vì vậy Hoàng liên chỉ loài cây thân rễ mọc liên tiếp, loài Hoàng liên chân gà có thân rễ phình thành củ, đôi khi phân nhánh, có đốt ngắn nhìn như chân gà. Hoàng bá còn gọi là Hoàng bách hay Hoàng nghiệt. Hoàng đằng chỉ cây mọc leo. Tuy nhiên, ba dược liệu này thuộc ba họ thực vật khác nhau: Hoàng liên thuộc họ Ranunculaceae, Hoàng bá thuộc họ Rutaceae và Hoàng đằng thuộc họ Menispermaceae; hình thái thực vật cũng hoàn toàn khác nhau.
- Kim tiền thảo: lá trông như đồng tiền, còn được gọi là đồng tiền lông, vảy rồng hay mắt trâu.
- Ngưu tất: thân cây ngưu tất có màu xanh lục hoặc nâu tía, có các đốt trên thân phình lên giống như đầu gối chân trâu nên dân gian lấy tên cây là Ngưu tất.
- Ô đầu: nghĩa là đầu quạ, do vị thuốc nhìn giống như đầu của quạ.
- Sâm đại hành: loài sâm có hành to. Từ xưa, sâm là từ ngữ dùng để chỉ những vị thuốc có tính bổ, ví dụ nhân sâm, đan sâm, đảng sâm.
Đặt tên theo nguồn gốc thực vật
- Bạch thược: phần rễ đã bỏ vỏ của cây Thược dược. Do Thược dược còn có tên gọi là mẫu đơn nên phần vỏ rễ dùng làm thuốc có tên gọi Mẫu đơn bì, hay Đan bì.
- Cát căn: cát nghĩa là cây sắn, căn là rễ. Dược liệu từ rễ cây Sắn dây.
- Tang bạch bì: phần vỏ rễ của cây Dâu tằm sau khi loại bỏ lớp ngoài màu vàng và lõi gỗ bên trong.
- Tang diệp: vị thuốc từ lá câu Dâu tằm.
- Tang ký sinh: loài cây nhỏ, thường xanh, ký sinh trên thân Dâu tằm.
- Tô tử: hạt của cây tía tô.
Đặt tên theo tính vị
- Cam thảo: loài cỏ có vị ngọt.
- Khổ qua: tên gọi kết hợp giữa hình dáng và tính vị. Vị thuốc đắng nhìn giống dạ dày.
- Khổ sâm: loại sâm có vị đắng.
- Ma hoàng: ma chỉ vị tê, hoàng là màu vàng.
- Tế tân: tế nghĩa là nhỏ, tân là cay. Tế tân ý chỉ những rễ nhỏ có vị cay.
Đặt tên theo công dụng
- Bổ cốt chỉ: cốt là xương, chỉ là mỡ, nói đến tác dụng bổ gân xương của vị thuốc. Bên cạnh đó cây còn có tên gọi phá cố chỉ hay đậu miêu. Cây thuộc họ Đậu.
- Cốt toái bổ: dựa vào việc tin rằng sử dụng vị thuốc này có thể làm lành những tổn thương của xương như dập, gãy.
- Phòng kỷ: phòng bệnh cho bản thân.
- Phòng phong: trị các chứng do phong (gió mùa xuân) gây ra.
- Quyết minh tử: có tác dụng làm sáng mắt
- Tục đoạn: tục mang nghĩa nối, đoạn nghĩa là sự đứt gãy. Tên gọi chỉ vị thuốc có thể nối liền gân xương.
Đặt tên theo câu chuyện
- Hà thủ ô: Hà nói đến ông lão họ Hà, thủ: đầu, ô: đen. Vị thuốc này theo dân gian do ông lão họ Hà tóc bạc khám phá ra, tóc đen trở lại sau khi uống.
- Sử quân tử: đặt tên theo một sứ quân đã dùng hạt của loài cây này chữa bệnh cho trẻ em.
- Mã đề: Loại cỏ lá to, giống móng ngựa, xây tròn thành bụi, hoa cộng dài từ giữa bụi đứng thẳng lên, màu trắng. Vị thuốc từ thân lá gọi là Xa tiền thảo, từ hạt gọi là Xa tiền tử. Có một đội quân khi ra trận lâu ngày thiếu nước bị nóng bức, mặt phù. Họ thấy đàn ngựa vẫn khỏe nên quan sát thì thấy chúng ăn một loài rau dại mọc trước xe (xa tiền thảo). Sau đó, vị tướng quân ra lệnh cho đội quân của mình ăn loại rau này và khỏi bệnh.
Đặt tên theo đặc điểm sinh sống
- Bán hạ: vị thuốc có củ thu hái vào mùa hạ.
- Cốc tinh thảo: vị thuốc từ cây Cỏ dùi trống với hình thái nhìn như chiếc dùi trống. Sau khi gặt lúa xong thì cỏ xuất hiện. Theo quan niệm xưa, người ta cho rằng nhờ dư khí của lúa sinh ra cỏ nên gọi Cốc tinh thảo.
- Đông trùng hạ thảo: nấm ký sinh trên cơ thể ấu trùng của một số loài bướm. Mùa đông trông giống như sâu, mùa hè nấm mọc chồi nhô lên khỏi mặt đất.
- Hạ khô thảo: chỉ đặc điểm khô héo vào mùa hạ của một loài cỏ.
- Khoản đông hoa: cụm hoa chưa nở của cây Khoản đông. Khoản có nghĩa là đến, đông tức mùa đông. Hoa khoản đông nở rộ vào tháng 12 hàng năm nên có tên Khoản đông.
- Nhẫn đông hoa: tên gọi khác của Kim ngân hoa, chỉ sự nhẫn nại chịu đựng thời tiết khắc nghiệt mùa đông mà tiếp tục sinh trưởng.
- Tam thất: hạt giống được lấy từ cây 3 năm tuổi trở lên, gieo từ tháng 10 -11, tháng 2 -3 năm sau cây mới mọc, nhưng phải chờ đến 1 năm sau mới mang đi trồng. Thời gian thu hoạch từ năm thứ 3 đến năm thứ 7 sẽ đạt giá trị dược tính cao nhất.
Lời kết
Trong thế giới sinh vật nói chung, khi con người càng tìm hiểu càng nhận thấy sự đa dạng, phong phú của chúng. Do đó, các tên gọi được đặt ra nhằm mục đích phân biệt các loài khác nhau. Về phương diện y học, các thầy thuốc và nhân dân đã đặt những tên gọi mang tính gợi nhớ giúp sử dụng các vị thuốc được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, khó tránh khỏi nhầm lẫn, không chỉ với những loài có quan hệ di truyền gần nhau dẫn đến hình thái gần như nhau mà còn những loài hoàn toàn khác nhau. Một số dược liệu được đặt tên để phân biệt nguồn gốc giữa thuốc Bắc (từ bài thuốc y học cổ truyền Trung Hoa) và cây thuốc Nam như Hậu phác và Hậu phác nam, Cam thảo và Cam thảo nam,… mặc dù về công dụng đôi lúc có thể giống nhau nhưng khó tránh khỏi sai sót trong khi sử dụng nếu tìm hiểu chưa rõ. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ dược liệu nào, cần phải quan sát, đối chiếu với các tài liệu tham khảo để có thể đạt được hiệu quả và an toàn.
NML